Vì sao nên uống nước vào buổi sáng?

Tác giả Tatiana Denning

Nghiên cứu tiết lộ 5 lý do nên bắt đầu ngày mới bằng việc uống nước vào buổi sáng.

Nước rất cần thiết cho sự sống và thường được gọi là dưỡng chất thiết yếu nhất. Nước chiếm khoảng 60 đến 70% cơ thể người, vì vậy để có sức khỏe tốt cần bổ sung nước hợp lý.

Trong ngày, cơ thể bạn sẽ mất nước thông qua các quá trình tự nhiên như hô hấp, đổ mồ hôi, đi tiểu, và đi tiêu. Một số thực phẩm như kẹo, và một số loại thức uống như rượu hoặc cà phê, có thể làm tăng bài tiết nước khỏi cơ thể. Ngoài ra một số loại thuốc và cách ăn nhiều sodium cũng có thể góp phần làm mất nước.

Nếu không uống đủ nước để bù đắp lại, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng mất nước.

Vì sao uống nước vào buổi sáng lại quan trọng

Nếu bạn từng thức dậy vào buổi sáng với cảm giác miệng khô và nẻ, đó có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang cần nước. Bên cạnh cảm giác khát nước nhiều hơn, các dấu hiệu mất nước nhẹ khác bao gồm: khô lưỡi, môi, cổ họng; đau đầu âm ỉ; chóng mặt; giảm đi tiểu; nước tiểu sẫm màu và đậm đặc hơn bình thường.

Sau cả đêm không ăn uống, đặc biệt là nếu bạn tiểu đêm hoặc cảm thấy nóng nực khi đang ngủ, cơ thể có thể sẽ rơi vào tình trạng mất nước nhẹ. Đó là lý do vì sao nên bắt đầu ngày mới bằng cách cung cấp nước cho cơ thể. May mắn thay, buổi sáng khi dạ dày trống rỗng, cơ thể có thể hấp thụ nước nhanh hơn.

Dưới đây là cách nước có thể giúp cải thiện tinh thần và thể chất vào buổi sáng.

1. Cải thiện hiệu suất tinh thần

Bộ não con người có khoảng 75% là nước. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi bổ sung nước đóng vai trò quan trọng trong chức năng nhận thức. Nhiều người không nhận ra đầy đủ tầm ảnh hưởng của nước đối với khả năng suy nghĩ rõ ràng.

Theo một nghiên cứu năm 2019 trên Tập san Psychological Research, “Bổ sung nước giúp cải thiện hiệu suất trong các công việc nhằm đo lường phản ánh nhận thức đối với việc phán đoán và ra quyết định.”

Một nghiên cứu khác được công bố trên Tập san Nutrition Reviews năm 2006 cho thấy rằng ngay cả tình trạng mất nước nhẹ – giảm từ 1 đến 2% trọng lượng cơ thể ở người trẻ tuổi cũng có thể gây suy giảm nhận thức đáng kể. Nghiên cứu cũng lưu ý tầm quan trọng của việc cung cấp nước cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nêu rõ: “Mất nước ở trẻ sơ sinh có liên quan đến tình trạng rối loạn, dễ cáu kỉnh và hôn mê; ở trẻ em, mất nước có thể làm giảm hiệu suất nhận thức.”

Ở người cao tuổi, mất nước là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với chứng mê sảng, và thậm chí có thể tương tự chứng sa sút trí tuệ. Đặc biệt đối với những người bệnh trong viện dưỡng lão, vốn có thể được cho dùng quá nhiều thuốc và thiếu nước, tình trạng mất nước có thể gây ra nguy cơ trầm trọng hơn.

2. Giảm cân

Một lợi ích của nước là mặc dù không chứa calorie nhưng vẫn có thể tạo cảm giác no. Trên thực tế, không có gì lạ khi mọi người nhầm lẫn khát với đói, khiến họ ăn nhiều thức ăn hơn – và nhiều calorie hơn – so với nhu cầu thực sự của cơ thể.

Một nghiên cứu trên Tập san của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng cho thấy uống nước trước bữa sáng giúp giảm 13% lượng calorie nạp vào trong bữa ăn tiếp theo. Một nghiên cứu khác cho thấy lượng calorie tiêu thụ ở người lớn tuổi giảm đi khi họ uống nước 30 phút trước khi ăn trưa. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc uống nước trước mỗi ba bữa ăn một ngày có thể giúp giảm 180 calorie mỗi ngày.

3. Cải thiện tâm trạng

Chúng ta có thể không nghĩ rằng nước có khả năng ảnh hưởng đến tâm trạng, nhưng các nghiên cứu đã thực sự phát hiện ra điều này. Một nghiên cứu quan sát ở nữ giới vào năm 2011 trên Tập san Nutrition đã phát hiện ra rằng tình trạng mất nước nhẹ dẫn đến “tâm trạng suy sụp, tăng cảm giác khó khăn trong công việc, khả năng tập trung thấp hơn, và các triệu chứng đau đầu.”

Mất nước thậm chí còn được phát hiện là có liên quan một cách chủ quan đến cảm giác mệt mỏi, bối rối và tức giận.

4. Tốt cho đường ruột

Uống nước vào buổi sáng là một cách tuyệt vời để làm sạch ruột, ngăn ngừa táo bón, giúp phân hủy thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn.

Ngoài ra, một nghiên cứu trên Tập san Nutrition vào tháng 01 cho thấy “nước uống có thể là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành hệ vi sinh vật đường ruột của con người.” Nghiên cứu này kết luận rằng nước là một yếu tố góp phần quan trọng vào sự đa dạng của hệ vi sinh đường ruột, do đó, ảnh hưởng đến mọi thứ, từ tâm trạng đến khả năng miễn dịch, v.v.

5. Đẩy lùi bệnh tật

Nước có tác dụng loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, bao gồm cả mầm bệnh, do đó giúp cải thiện hệ miễn dịch. Giữ cho cơ thể đủ nước cũng giúp duy trì hoạt động bình thường của thận, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, và giảm đau đầu.

Nước cũng có thể đóng một vai trò trong điều trị các bệnh kinh niên. Mặc dù cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn, nhưng ít nhất có một số mối liên quan giữa bổ sung nước đầy đủ và những yếu tố như cải thiện huyết áp, giảm nguy cơ đau tim gây tử vong, giảm tỷ lệ cục máu đông và đột quỵ.

Bao nhiêu nước là đủ cho cơ thể?

Mặc dù nhu cầu nước của mỗi người là khác nhau, nhưng các chuyên gia thường đồng ý rằng uống trung bình tám ly nước, mỗi ly 8 ounce (khoảng 230 ml) mỗi ngày là đủ, trong khi những người khác nói rằng lượng nước cần uống bằng một nửa khối lượng cơ thể với đơn vị ounce. Tất nhiên, khi tập thể dục hoặc khi thời tiết nóng bức và đổ mồ hôi, nhu cầu về nước sẽ tăng lên. Một điểm cần lưu ý nữa là có người uống quá nhiều nước, vì vậy chìa khóa ở đây là sự cân bằng.

Trong ngày, bạn cũng có thể ăn các loại thực phẩm chứa nhiều nước, chẳng hạn như dưa hấu, dâu tây, cà chua, đào và bưởi (có lẽ không phải ngẫu nhiên mà những loại cây này phát triển vào tiết trời nóng khi chúng ta cần nhiều nước hơn). Một số thực phẩm khác có hàm lượng nước cao như súp, nước dùng, phô mai tươi và sữa chua.

Giới thiệu bài này