CÂU CHUYỆN SUY NGẪM: Con trai bạn có đang nghiện trò chơi điện tử không

Tác giả Leonard Sax

Các bậc cha mẹ cần phân biệt giữa việc con trẻ dành quá nhiều thời gian chơi game và một người bị nghiện game nặng.

Khi cha mẹ đưa Jacob đến gặp tôi ở văn phòng, cậu ấy đã 22 tuổi. Cậu vẫn còn sống chung nhà [với gia đình] và chỉ làm việc vài giờ một tuần, chính là phụ giúp cha mình sắp xếp công việc kinh doanh. Cha mẹ cậu lo ngại vì Jacob hoàn toàn không có hoài bão nào.

Cậu không có việc làm ngoại trừ thi thoảng phụ giúp cha, không tiếp tục đi học sau tốt nghiệp trung học phổ thông và cũng không hứng thú học thêm thứ gì khác như học nghề hay học môn nào đó. Và cậu cũng không có bất kỳ kế hoạch nào cho tương lai mà chỉ ngồi chơi điện tử ít nhất 40 tiếng một tuần – thời gian tương đương như [một người] làm việc toàn thời gian.

Tôi hỏi cậu, “Hãy kể cho chú nghe về những người bạn tốt nhất của cháu.”

Jacob trả lời, “Cháu có 12 người bạn. Chú muốn cháu bắt đầu kể từ đâu?”

Tôi đáp, “Cháu chỉ cần cho chú biết tên của ba người bạn đầu tiên trong số đó.”

Jacob trả lời, “À, đó là Jonathan.”

Tôi hỏi, “Lần cuối cháu gặp bạn Jonathan là khi nào?”

“Cháu chưa từng gặp mặt Jonathan,” Jacob đáp. “Cậu ấy sống ở Singapore. Cậu ở trong nhóm trò chơi trực tuyến World of Warcraft của cháu.”

Tôi hỏi, “Vậy lần cuối cùng cháu có bạn ghé chơi nhà là khi nào?”

“À, ra vậy, cháu hiểu ý chú muốn nói gì rồi. Có phải ý chú là thế giới ảo không tốt đẹp như ở thế giới thực tại, đúng không?” Jacob nói.

Tôi đáp, “Ừ, đúng thế. Chú thật sự nghĩ rằng những mối quan hệ trong đời thực quan trọng hơn nhiều so với những gì trực tuyến hoặc trong thế giới ảo.”

Jacob đang dành quá nhiều thời gian để chơi game. Trò chơi điện tử đã lấn át mọi thứ khác.

“Cách can thiệp có hiệu quả duy nhất trong tình huống này là cắt cơn nghiện,” tôi trò chuyện với cha mẹ cậu bé. “Hai anh chị phải ngăn Jacob tiếp cận với trò chơi điện tử. Đó là không dùng Xbox nữa. Anh chị hãy loại bỏ thứ đó ra khỏi nhà. Cắt tất cả quyền truy cập vào internet bao gồm cả việc sử dụng điện thoại.”

Vẻ mặt thất thần của Jacob chuyển thành cau có giận dữ.

“Cháu hoàn toàn không thể chấp nhận việc đó,” cậu thốt lên. “Cháu đã trưởng thành và trên 18 tuổi rồi. Chú không thể bảo cháu phải làm gì! Cha mẹ cũng không thể.”

Tôi liền đáp, “Cháu nói đúng đấy. Cháu là người đã trưởng thành. Cháu được tự do ra khỏi nhà cha mẹ. Nhưng nếu cháu rời khỏi,” – và tôi liếc nhìn sang cha mẹ cậu bé – “cha mẹ cháu sẽ không chu cấp gì cho cháu hết. Hiện tại, cháu đang ở nhà cha mẹ, nhưng cháu không trả tiền thuê nhà. Họ còn phải trả tiền thực phẩm và tiền internet cho cháu nữa. Nếu cháu dự định tiếp tục ở đây thì cháu phải tuân thủ các quy tắc của họ.”

Trò chơi điện tử đã tồn tại được nửa thế kỷ. Năm nay, chúng ta kỷ niệm 50 năm ngày hãng Atari ra mắt Pong, một trò chơi điện tử được lan truyền rộng rãi. Nhưng cách đây 50 năm, thậm chí cách đây 20 năm, chúng ta rất hiếm khi tìm thấy một thanh niên bỏ mặc mọi việc trong cuộc sống của mình chỉ vì game. Vậy mà bây giờ, điều này đang trở nên phổ biến.

Câu chuyện của Jacob là một [trường hợp] đặc biệt, nhưng tôi nghe người ta kể về nhiều chàng trai – luôn luôn hầu hết là các cậu bé, không phải cô gái – đang bỏ bê chuyện học hành và cuộc sống xã hội chỉ để ở trong phòng với cánh cửa đóng kín, đeo tai phone và cầm điều khiển trong tay để chơi game. Những trò chơi kia hay ho đến vậy sao.

Nếu bạn đầu tư 40 tiếng hoặc hơn để thành thạo một trò chơi nhập vai như Red Dead Redemption 2, bạn sẽ cảm thấy như thể mình đã thực sự đạt được điều gì đó khi kết thúc – điều gì đó có ý nghĩa và quan trọng. Những cậu bé kể tôi nghe rằng chính cách ấy [khiến các cậu] thấy vừa lòng hơn là học tiếng Tây Ban Nha hoặc lịch sử Hoa Kỳ.

Theo cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, có một số bé trai gặp phải nguy cơ lớn hơn: Đó là cậu bé sống cô độc hoặc bị xã hội xa lánh có nguy cơ bị các trò chơi điện tử bạo lực hấp dẫn mình hơn và trở nên hung hăng hơn. Mối liên hệ giữa trò chơi điện tử bạo lực và hành vi gây hấn có thể đem đến nhiều tranh cãi, nhưng một nghiên cứu gần đây khuyến nghị rằng có lẽ có mối liên kết chặt chẽ hơn giữa trò chơi điện tử bạo lực và bắt nạt trực tuyến. Ngay cả khi một cậu bé đã giết những kẻ thù trực tuyến trong trò chơi Grand Theft Auto 5 không có nhiều khả năng làm tổn hại mọi người trong đời thực, cậu bé ấy vẫn có khả năng tham gia vào các hành động bắt nạt qua mạng.

Là một bác sĩ gia đình, tôi đã quan tâm đến các cậu bé và trò chơi điện tử trong nhiều năm. Năm 2007, tôi đã viết một quyển sách có nhan đề “Boys Adrift: The Five Factors Driving the Growing Epidemic of Unmotivated Boys and Underachieving Young Men.” (tạm dịch: Những chàng trai vô định : Năm yếu tố thúc đẩy đại dịch ngày càng gia tăng của những chàng trai không có động lực và ăn không ngồi rồi.) Trò chơi điện tử là một trong năm yếu tố can dự thường xuyên nhất khiến các cậu bé sao nhãng mọi chuyện như trường hợp của Jacob. Gần đây nhất, tôi đã viết một ấn bản thứ hai của cuốn “Boys Adrift” vì mọi thứ đang ngày càng tệ hơn.

Với sự động viên của tôi, cha mẹ của Jacob đã làm theo lời tôi hướng dẫn. Họ đã tặng Xbox và tất cả trò chơi của cậu cho quý từ thiện Goodwill. Họ mang máy vi tính ra khỏi phòng cậu. Họ đặt mật khẩu bảo vệ máy tính của họ và từ chối cho con trai truy cập vào máy.

Bốn tuần sau đó, họ đã trở lại [gặp tôi] như tôi đã yêu cầu.

“Thật không thể tin được, mọi chuyện khác hẳn,” cha cậu chia sẻ. “Chẳng hạn, hồi đó tôi phải khó khăn lắm mới khiến Jacob phụ được việc và tôi phải kiểm tra mọi thứ mà con đã thực hiện. Còn bây giờ, cháu chủ động làm việc và làm còn giỏi hơn tôi.”

Mẹ cậu cho biết, “Thật không dễ dàng. Lúc đầu Jacob không được như vậy. Thằng bé đã không trò chuyện với chúng tôi suốt cả một tuần đầu tiên. Cháu đã tự làm bữa sáng và mang vào phòng mình. Nhưng rồi, sau khoảng một tuần, cháu bắt đầu cùng chúng tôi dùng cơm tối. Có vẻ như cháu vừa thức tỉnh. Giống như là cháu đã ở trong đám sương mù suốt quãng thời gian chơi trò chơi điện tử trong nhiều năm qua. Có lẽ cháu chưa ngủ đủ giấc. Hiện thời, cháu đã trò chuyện ở bữa ăn tối.”

Cha cậu nói, “Hình như bây giờ cháu sáng dạ hơn, hiểu biết và chú tâm tốt hơn. Cháu còn kiên nhẫn hơn.”

Tôi hỏi Jacob, “Cháu nghĩ sao? Cháu có thấy đúng vậy không?”

“Dạ không, cháu không thấy vậy,” Jacob trả lời. “Cháu không thấy có gì khác biệt, không thông minh hơn đâu, chắc chắn là thế.”

“Nếu được lựa chọn, ngày mai cháu có bắt đầu chơi game nữa không?” tôi hỏi cậu bé.

“Có chứ ạ,” Jacob đáp.

Cha mẹ cậu chỉ biết thở dài.

Jacob vẫn chưa nhận ra vấn đề. Cậu đã không nhận thức được trò chơi đã thay thế các hoạt động trong đời sống thực của mình ra sao.

Những dấu hiệu cho thấy con trai bạn là một người nghiện game

Các học giả không đồng ý rằng nghiện game hội đủ điều kiện để được chẩn đoán là chứng bệnh tâm thần. Nhưng là một bác sĩ gia đình, tôi đã tận mắt chứng kiến một số trẻ em – hầu hết là các bé trai – thật sự đã bị nghiện. Sự khác biệt giữa dành quá nhiều thời gian chơi game và bị nghiện trò chơi đó là gì? Phòng khám Mayo gợi ý nhiều dấu hiệu trọng yếu sau đây khiến con trẻ dần trở thành một người nghiện trò chơi điện tử.

Bỏ bê các hoạt động: Nếu trò chơi điện tử đang thế chỗ cho đời sống xã hội của trẻ hoặc trẻ không hoàn thành bài tập về nhà vì đang dành quá nhiều thời gian chơi game. Đó chính là một dấu hiệu nghiện game. 

Nói dối: Nếu con bạn đang nói dối bạn rằng cháu không chơi trong khi sự thật là có, đó thường là dấu hiệu của cơn nghiện.

Giận dữ/Dễ cáu gắt: Nếu con hay tức giận, dễ cáu gắt hoặc lo lắng khi bạn hạn chế cho trẻ chơi game, đó có thể là một dấu hiệu.

Sự gia tăng: Nếu con bạn đang dành ngày càng nhiều thời gian hơn để chơi game, có khả năng là con bị nghiện.

Các bậc cha mẹ cần phân biệt giữa việc con trẻ dành quá nhiều thời gian chơi game và con nghiện nặng. Điều này thật quan trọng. Nếu một đứa trẻ nghiện chơi, vậy thì giải pháp duy nhất thực sự mang lại hiệu quả theo kinh nghiệm của tôi là cai nghiện. Điều đó có nghĩa là vứt bỏ tay cầm máy game khỏi nhà và đem cho hết các trò chơi.

Vài gợi ý cho các bé trai cần những giới hạn [thời lượng chơi game]

Nếu một đứa trẻ dành quá nhiều thời gian chơi trò chơi điện tử, nhưng không nói dối hoặc cáu gắt vì đã không được cho phép chơi và đồng ý những hạn chế thì sao? Đứa trẻ này thật sự không phải là một người bị nghiện game. Tôi đã dành toàn bộ 2 chương trong cuốn sách “Boys Adrift” để trình bày cuộc nghiên cứu về chủ đề này và đưa ra nhiều khuyến nghị có dẫn chứng. Dưới đây là bài tóm tắt dành cho những cậu bé cần có những giới hạn [thời lượng chơi game].

Các cậu bé không được chơi quá 40 phút một đêm và không quá 1 tiếng một ngày vào cuối tuần.

Chúng ta không được cộng dồn. Nếu bé không chơi game trong 3 tuần, điều đó không có nghĩa là bé được phép chơi mải mê trong 7 tiếng vào thứ Bảy. Đó là lạm dụng game quá mức và như vậy gây hại cho bé.

Chúng ta không cho phép con chơi những trò mà trong đó giải thưởng được trao cho kẻ giết người. Không cho chơi trò Grand Theft Auto và Call of Duty. Điều này yêu cầu các bậc cha mẹ biết được nội dung trò chơi của con trai mình đang chơi. Tất nhiên, những bậc phụ huynh bận rộn không có thời gian chỉ ngồi hàng giờ xem con trai mình chơi từng trò, vì thế tôi giới thiệu đến họ trang web Common Sense Media. Họ chỉ cần nhập tên của trò chơi và trang web đó cung cấp bản tóm tắt chính xác và độ tuổi phù hợp với loại game.

Nếu con trai bạn dành quá nhiều thời gian chơi game nhưng không nghiện thì bạn hãy giải thích cho con những hạn chế là cần thiết và đặt ra giới hạn như tôi có đề cập ở phần trên. Nếu bạn cần thêm hướng dẫn chỉ cách đưa giới hạn theo kiểu nuôi dạy con cái có thẩm quyền – làm thế nào để “vừa phải nhưng không quá khó khăn” – vậy thì tôi thật lòng đề xuất bạn đọc quyển sách của tôi có nhan đề, “The Collapse of Parenting.” (tạm dịch: Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ)

Nếu con trai bạn nghiện chơi game, bạn hãy đừng chờ cậu ấy nhận biết sâu sắc về tình huống của mình. Tôi đã chứng kiến nhiều bậc cha mẹ hy vọng đứa con trai của họ từ 11 tuổi, rồi 15, hoặc 24 tuổi sẽ hành động hợp lý trên cơ sở bằng chứng thuyết phục họ. Cha mẹ sẽ nói rằng: “Con hãy nhìn xem, game đang tách con ra khỏi cuộc sống của mình. Chính là game làm phai nhạt những mối quan hệ bạn bè của con từ lúc con bắt đầu dành 20 tiếng mỗi tuần chỉ để ngồi trước màn hình như thế. Con có thấy không, chính là game khiến con lúc nào cũng mệt mỏi, ngoại trừ lúc con đang chơi!”

Vấn đề nằm ở chỗ con trẻ có lẽ không nhận thức sâu sắc được những tác hại của game.

Vì thế, bạn hãy đừng chờ đợi. Bạn có lẽ chờ trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Nếu con trai bạn là một trong hàng triệu những cậu bé bỏ mặc cho game thay thế mọi thứ khác trong cuộc sống của cậu, bạn cần kiên quyết hành động. Nếu bạn không làm vậy, thì ai sẽ [thay bạn làm đây]?

SƯU TẦM 

Nguồn: https://www.epochtimesviet.com/con-trai-ban-co-dang-nghien-tro-choi-dien-tu-khong_329927.html

Giới thiệu bài này