11/02/2017

Tôi nhập học Trường THTĐ năm 1963, lúc đó tôi được 11 tuổi, tôi học ròng rã đến 8 năm sau (1971) tôi mới rời xa trường. Trong một thời gian học tập dài lâu như thế, tôi được học với rất nhiều Thầy Cô, nhưng lạ một điều, chỉ có một vài người trong các vị đó là còn đọng lại trong lòng tôi, nói quên hết thì cũng không đúng mà chỉ còn nhớ lờ mờ. Kỳ về thăm VN vừa rồi, tôi có lần giở tập Thành Tích Biểu cũ xưa của tôi, tôi cảm thấy ngạc nhiên khi đọc tên những vị Giáo sư mà tôi có học, vậy mà có những vị tôi không nhớ một chút gì hết, cả những hình bóng của những vị Thầy đó. Thời gian bào mòn trí nhớ của chúng ta, không từ một ai hết.

        Quãng đời ngồi ở bậc Trung học là giai đoạn quan trọng nhất của một đời người. Lúc đó tâm hồn đám học trò chúng tôi như một tờ giấy trắng, được Thầy Cô viết lên đó những điều sau này hình thành nên tính cách của một con người. Khoảng đầu thập niên 1960, chúng tôi không có những thần tượng về điện ảnh, thể thao, văn hóa, chánh trị... như bây giờ. Ngày ngày chúng tôi đến trường, nhìn ngắm Thầy Cô của mình như thần tượng, rồi chúng tôi noi theo, hay nói đúng hơn là "uốn mình" theo những lời dạy bảo của Thầy Cô mà đứng dậy thành những con người đúng nghĩa.

        Những điều giáo dục của Thầy Cô, không nhất thiết hoàn toàn nằm trong những phần giáo khoa về tri thức con người. Còn một điều quan trong nữa, thấm sâu vào chúng tôi nhiều nhất, đó là những giây phút riêng tư, Thầy Cô tâm tình với chúng tôi, như những bậc đàn anh đàn chị đi trước, hướng dẫn cho lớp đàn em đi sau, về quan niệm sống trên đời, về cách hành xử với người chung quanh, về tư cách của một người có học và có đạo đức... Ôi chao, mấy chục năm sau, sau khi trải qua mấy năm trời chiến trận, mấy năm trời trong "lửa địa ngục" có tên là Trại CT, rồi mấy chục năm "tranh ăn kiếm sống" với cuộc đời đầy bất trắc. Tôi mới suy nghiệm ra được một điều, tôi đã thành nhân từ những tri thức học tập được và những "giáo dục ngoài lề". Tôi có thưa lại điều này với các Thầy Cô sau khi gặp lại, và ai ai cũng hết sức ngạc nhiên về tầm ảnh hưởng quan trọng của những cuộc nói chuyện ngoài lề đó, mà lúc ấy tưởng chừng đâu chỉ là những điều ngẫu hứng bất chợt.

        Những lời như thế này, tôi không thể nào quên:"... Này các em, các em hãy đối xử với nhau như những bậc quân tử..."  "... Này các em, mỗi sáng thứ hai, tập họp đứng chào cờ ngoài sân trường, các em hãy tự hứa với lòng mình, làm sao sống xứng đáng là một người công dân chân chính..."  "... Này các em, cái học có thể hành hạ các em khổ sở, nhưng điều đó chỉ là tạm thời. Còn cái đau khổ của một người thất học là cái đau vĩnh viễn..."

        Chúng tôi đã nghiêng mình xuống để thấm nhuần những lời "Này các em..." còn ngoài ra những bài học giáo khoa chúng tôi quên sạch, hay như ai đó đã nói " Kiến thức là những gì còn lại sau khi đã quên hết..." Nhưng có hề gì đâu, cho dù có quên đi chăng nữa, người đời vẫn cho chúng tôi là "kẻ sĩ".

        Như tôi đã thưa chuyện một đôi lần. Không biết những tên học trò khác chịu ảnh hưởng của các Thầy Cô ra sao. Riêng tôi, tôi mang đậm dấu ấn của các vị Thầy thần tượng mà tôi yêu mến. Một chút hòa đồng thân ái với những người chung quanh của Thầy Trần Ngọc Dưỡng. Một chút tàng thư cổ kính của Thầy Bùi Hữu Huân. Một chút sĩ khí cao ngạo của Thầy Võ Phá. Một chút hào hoa tay chơi của Thầy Vũ Ôn Đình. Một chút uy nghi quí tộc của Thầy Hồ văn Trai. Một chút xuề xòa dễ mến của Thầy Hồ Vạn Chung.... và còn nhiều Thầy Cô khác mà tôi không thể kể hết được, xin cáo lổi.

        Lạ một điều, trong các vị Thầy đó không có Thầy Luyện Quang Đăng, Thầy về trường rất sớm, khoảng đâu 1964, Thầy dạy môn Công dân Giáo dục và môn Anh văn. Tôi chỉ học môn Công dân với Thầy, còn môn Anh văn tôi học với Thầy Hiệu trưởng Ngô Thúc Cơ, sau đó chuyển sang học với Thầy Nguyễn Trang Quốc.

       Tôi học với Thầy Đăng rất ít giờ, một tuần chỉ có 2 tiếng thì phải, cho nên hình ảnh của Thầy rất mờ nhạt. Nhưng tôi vẫn nhớ mãi cái hôm đầu tiên tôi gặp Thầy. Hôm đó tôi đứng trước cửa lớp chờ vô học, tôi ngó qua Văn phòng Giáo sư phía đối diện, thấy có một vị Thầy lạ, mang mắt kính cận hơi đậm màu, dáng người cao gầy thanh nhả, tôi có hỏi đám bạn đứng chung quanh:" ông Thầy nào mới về trường vậy?" có đứa bạn trả lời:" đó là Thầy Luyện Quang Đăng dạy môn Công dân và Anh văn " Từ đó tên Thầy tôi chớ hề quên, bởi vì họ của Thầy rất lạ, tôi chưa hề gặp một người thứ hai nào mang họ Luyện.

        Thầy Đăng đã dạy rất ít giờ mà còn dạy một môn phụ, không được học trò chú ý cho lắm, vả lại Thầy không có điều kiện phô diễn tâm ý của Thầy, điều đó khiến Thầy dễ dàng chìm lấp trong tâm trí của đám học trò, như những Thầy Cô "bình bình" khác.

         Hình ảnh của Thầy Đăng trong tôi cũng vậy, mờ nhạt và không có một chút ấn tượng gì. Cho đến một ngày kia, tôi liên lạc được với Thầy qua mấy người bạn học cũ. Hình như lúc đó đâu khoảng 2008-2009. Lần này Thầy xuất hiện trước đám học trò năm xưa một cách thật lạ lùng, bởi vì Thầy được đám học trò ngưỡng mộ ngay lập tức, vừa với phong thái một người Thầy, vừa với phong thái một người Cha, theo tôi nghĩ, chưa có một vị Thầy nào của Trường THTĐ có cùng hai phong thái như vậy đối với đám chúng tôi.

        Sau đó mở ra các cuộc Họp mặt thường xuyên ở Hải ngoại, khởi đầu ở Nam Cali, kế đó đến Houston-Texas. Đến năm 2009, một Đại Hội được tổ chức ở Nam Cali, đây là một đại hội đáng nhớ nhất, nhiều kỷ niệm nhất, vì có bửa Tiền Họp mặt tổ chức tại nhà Thầy.

        Cả đám học trò đến từ Florida, được Thầy và Đỗ Danh đón từ sân bay Santa Ana, rồi Thầy đưa về nhà. Căn nhà của Thầy lúc đó đầy ắp học trò khắp các Tiểu bang kéo tới. Mọi người lăng xăng, mấy cô xúm lại làm bếp, có người lui cui dọn bàn, có người chụp hình, có nhóm ngồi chuyện trò không dứt... Hôm đó vui không thể tưởng tượng được, vì có những người bạn, những người Thầy, quãng chừng 40 năm mới được gặp lại. Tối hôm đó còn có một màn trình diễn ca hát bỏ túi với nhau, thiệt thân thương và ấm cúng. Sau này còn có nhiều buổi họp mặt khác, nhưng suy đi nghĩ lại thì không thể nào bằng buổi họp mặt đầu tiên được tổ chức tại nhà Thầy.

       Rồi Thầy bay về VN, tổ chức thêm những lần gặp lại các đồng nghiệp và các học trò thân mến của Thầy. Với phương châm "càng đông càng vui", cho nên có những lần học trò kéo tới gần 200 người, một con số mà chưa khi nào tổ chức họp mặt có thể đạt được, tất cả chỉ đến chung vui không phải đóng góp bất cứ một thứ gì, mọi chuyện Thầy đã lo chu đáo.

        Như vậy đó, Thầy Đăng đã xuất hiện trước học trò một cách chói sáng đến lạ lùng. Điều gì đã khiến Thầy làm được như vậy? Theo tôi nghĩ, khi xưa Thầy đứng trên bục giảng nhìn xuống đám học trò con nít ở bên dưới, Thầy đã có một tấm lòng thương mến đám học trò như con cái mình, mà Thầy không có điều kiện bộc lộ ra. Thầy kể chuyện, có một lần Thầy gọi một em nữ sinh lên trả bài, em này mắt bị lé, khi em đang trả bài thì bên dưới có một nam sinh phát lời trêu chọc :" Sao mắt em đẹp thế?" Cô bé bước về bàn và khóc sướt mướt. Thầy bảo tên học trò đến xin lỗi cô bé, rồi bắt phạt đứng khoanh tay úp mặt vào tường. Chuyện này làm Thầy nhớ mãi vì lần đầu tiên Thầy phải phat một đứa học trò và cả hai đứa Thầy đều thương như nhau, chỉ là chuyện con nít thôi mà.

        Thầy Đăng còn làm nên một chuyện mà chưa ai làm được. Đó là, Thầy làm một nhịp cầu, cho những người học trò có một thời cùng chung một mái trường, được gần gủi lại với nhau, xóa đi bao trở ngại ngăn cách. Có khi Thầy đứng giữa làm trọng tài cho những cô học trò đầu đã bạc nhưng còn thích tranh cãi, và lạ một điều mỗi khi các cô có chuyện gấu ó với nhau đều mang ra kể với Thầy, có khi câu chuyện kéo dài hàng giờ mà Thầy vẫn nhẫn nại ngồi nghe, không hề than van một tiếng nào, lạ thật. Thầy Đăng đã hiện diện trong lòng những đứa học trò, một hình ảnh thân thương, dịu dàng và ấm áp tình người.

        Có lẽ, trong đám học trò, tôi là người siêng năng hầu chuyện với Thầy hơn hết (không phải là những chuyện "nhi nữ thường tình") Mỗi sáng thứ hai, công việc rỗi rãi, tôi luôn luôn gọi phone cho Thầy. Chuông vừa reo là Thầy lên tiếng ngay :" Hello! Châu" Thầy biết chắc vào giờ đó thì chỉ có tôi gọi cho Thầy. Thầy còn biết vào giờ nào ngày nào, ai gọi là Thầy biết hết. Thầy cho hay, Riu hay gọi vào lúc đêm khuya, Hằng thì bất thường, Danh thì có ngày gọi hai ba lần, Mỹ Kim gọi vào khuya lơ khuya lắc, Giàu thì gọi cách vài hôm một lần, riêng Châu chỉ có một cử duy nhất vào sáng thứ hai, việc này Thầy cảm thấy rất vui nên thường khoe với đám bạn tôi:" Sáng thứ hai nào Châu cũng gọi thăm tôi, không bỏ qua một lần nào hết."

        Giờ Thầy đã đi xa, mỗi khi có dịp sang chơi Cali, tôi không còn cơ hội để đi đến địa chỉ 4532E- Orange Grove thuộc thành phố Orange để thăm ngôi nhà nhỏ của Thầy. Mỗi sáng thứ hai, cứ đến cử gọi phone cho Thầy là tôi lại cảm thấy nao nao trong lòng. Mỗi khi ăn một miếng ô mai táo tầu, tôi lại nhớ đến gói ô mai của Thầy tự tay làm rồi gửi cho từng đứa học trò.

       Lạy Thầy Luyện Quang Đăng, Thầy đã đi xa, nhưng Thầy vẫn hiện diện trong lòng em một cách vừa kính cẩn tình Thầy Trò, vừa thân thương yêu quý như tình cha con.

 

        Lạy Thầy, Vĩnh biệt.

 

NĐC (2-11-2017)

 

Giới thiệu bài này