Một ngày, ngày đã qua...

Ôi một ngày, ngày chóng qua...

Khi những tia sáng cuối cùng chìm xuống, tan vào khoảng xa xôi mênh mông đâu đó, chung quanh đây không còn những cánh chim uể oải lượn tìm. Mây và trời dường như đang cố tan lẫn vào nhau cũng như những hàng cây đang hòa dần vào dãy núi xa trong một màu sắc nhợt nhạt, chập choạng và mờ ảo, gây nên một cảm giác lờ mờ, u uẩn, mơ hồ, mà phải chăng bởi vì thế mà ta gọi là " Hoàng Hôn"?  Rồi khi những tia sáng đầu tiên chuẩn bị nhô lên từ phía đối diện, bầu trời cũng mang một màu sắc nhợt nhạt như vậy, chập choạng như vậy, và cũng chưa thể nhận ra cái bóng đằng kia là núi hay cây, mây hay trời, nhưng ta lại gọi là "Bình Minh". Cả hai tia sáng này, dù là đang chìm xuống hay nhô lên, thật ra chỉ là một, thật mảnh mai, nhẹ nhàng, yếu ớt, nhưng cái khoảng cách của chúng ở hai nơi, ở hai đầu đối diện thì thật là bao la rộng lớn. Làm thế nào lại có một "khoảng cách" trong một hữu thể hiện thực (tia sáng)? Hiểu một cách khác, làm thế nào ta có một khoảng cách với chính ta, bản thân ta? Vậy mà có đấy! Khi mà ta hôm nay không phải ta ngày hôm qua; ta bây giờ không phải ta lúc trước. Ta hôm qua hay lúc trước thì mỏi mệt, uể oải, còn ta bây giờ tỉnh táo và năng động. Rõ ràng giữa ta và ta, có một "khoảng cách", và ta gọi cái khoảng cách đó là "Thời Gian".

Thời gian là một khái niệm về sự chuyển động liên tục nên người ta thường nói "thời gian trôi, cứ trôi, không ngừng nghỉ" . Để đo lường thời gian, người ta chia sự trôi không ngừng nghỉ của thời gian ra những điểm, có thể tạm gọi là dấu mốc của thời gian, và giữa những điểm đó là một khoảng cách dùng làm đơn vị, hay đại lượng, để có khái niệm về một khoảng cách, một quãng thời gian, để đo lường và so sánh. Từ lúc tia sáng đầu tiên nhô lên, cho đến khi tia sáng cuối cùng chìm xuống chiếm một quãng thời gian, một khoảng cách, lập thành một đơn vị với tên gọi là một ngày. Nhiều ngày lập lên một điểm mốc khác và có đơn vị khác như tuần, tháng...  Một đời người cũng là một quãng thời gian, cũng là một đơn vị, đúng hơn là một đại lượng, vì không xác định chính  xác bao nhiêu đơn vị và không có sự đồng bộ của một đời người này với đời người kia. Thêm nữa, khi nhiều đại lượng "đời người" nối tiếp nhau, thì đại lượng "thế hệ" xuất hiện cũng không đồng bộ, và khá mơ hồ về các điểm mốc, nơi bắt đầu và chỗ kết thúc. Trong khi thời gian được ấn định bằng những đơn vị như giây, phút, giờ, ngày tháng năm....thì những đại lượng sẽ bao quát như: thời kỳ, đời người, thế hệ....

Xưa kia hai chàng Lưu, Nguyễn, đi thẩn thơ đi lạc vào tiên cảnh, được các nàng tiên nữ tiếp đón nồng nhiệt. Có được một khoảng thời gian trên cõi bồng lai hạnh phúc và thú vị. Nhưng hai chàng một ngày nọ lại nhớ về cõi trần gian, nhớ lại những khoảng thời gian trước đó, tưởng nhớ đến quang cảnh xưa, người xưa. Từng nỗi niềm hoài cổ đã làm cho hai chàng bỗng không còn thích thú với hiện tại nơi tiên cảnh, ngày đêm nhớ nhung về nơi hai chàng đã đặt bước chân ra đi. Nỗi nhớ nhung ngày càng lớn lên và rõ nét khiến cho các tiên nữ hiểu thấu được tâm tư hai chàng, nên đã để hai chàng rời khỏi chốn bồng lai để trở về trần gian. Và khi hai chàng trở về nơi chốn cũ, mới nhận ra là tuy ở trên tiên cảnh không bao lâu, nhưng thời gian đó đã bằng mấy đời người dưới trần thế.

Ý nghĩa câu chuyện không hẳn là về sự so sánh thời gian nhanh hay chậm của hai nơi, vì khi nhớ lại thời gian thường là ở trong quá khứ, những khoảng cách đã xảy ra rồi. Thời gian nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào những khái niệm mà người ta chọn để làm giá trị cho quãng thời gian đó. Người chú trọng về dài hay ngắn, lâu hay mau, sẽ cho rằng một ngày tiên giới bằng một năm dưới trần gian. Vì thế ngày ở tiên giới dài hơn trần gian. Nói một cách khác, ngày ở tiên giới thì lâu hơn dưới trần, nhưng khái niệm lâu hay mau còn tùy thuộc vào những thực tiễn đang nằm trong quãng thời gian đó. Một đời người ở trần thế có thể là rất nhiều năm, một quãng thời gian theo đó mà một người chỉ có thể đi qua hết quãng ấy một lần và rất lâu. Nhưng một khái niệm khác lại cho rằng đời người chỉ như bóng chim (câu) qua cửa sổ, mới thoáng hiện lên đó mà đã chuẩn bị tan mất rồi, khái niệm này cho thấy cùng một quãng thời gian tương tự, nhưng ngắn dài hay lâu mau của quãng thời gian chỉ là khái niệm.

Lại nói về chuyện hai chàng Lưu Nguyễn và giá trị của hai quãng thời gian. Phải chăng khái niệm về ngày vui qua mau có thể được áp dụng ở đây đối với những người nhìn thời gian bằng sự vui buồn. Chỉ vì trên tiên cảnh con người có toàn niềm vui, nên một thoáng của niềm vui thật ra rất dài, dài bằng cả mấy cuộc đời buồn tẻ. Con người khi đối diện nghịch cảnh, thường thấy thời gian đi chậm hơn, nhất là khi đang mong chờ tới những thời gian trong sáng.

Còn về giá trị của thời gian khi người ta nói: "Cọp chết để da, người ta chết để tiếng". Có nghĩa là giá trị của cuộc đời người ở...giá trị của nó, không thì "phí " cả đời. Chuyện hai chàng Lưu Nguyễn được giải thích rằng một ngày sống hạnh phúc (tiên cảnh) có giá trị bằng cả một đời vô nghĩa (thế gian), "thà có một chút huy hoàng còn hơn le lói suốt trăm năm...". Tóm lại thời gian trôi đi không dừng lại, và khoảng cách của từng thời gian, giá trị của thời gian được đo bằng ngắn dài, lâu mau, buồn vui, hạnh phúc hay vô nghĩa còn tùy thuộc vào cái khái niệm của người đã trải qua nó.

Vậy phải chăng thời gian chỉ hiện hữu qua trí nhớ và luôn thuộc về quá khứ, vì khi ta vừa chớp mắt xong, cái chớp mắt ấy đã là quá khứ rồi. Còn tương lai thì sao? có thời gian tương lai không? Để có được cái nhìn về thời gian của tương lai, có lẽ nên có thêm khái niệm về những khoảng cách của quá khứ.

Một thí dụ đơn giản cho từng thời gian: Khi nhìn lại hôm qua, ta tiếp tục làm những gì hôm nay và dự định cho ngày mai. Hôm qua mình đã chọn đề tài cho bài viết rồi, hôm nay lấy giấy bút ra mà viết xuống những tâm tư về đề tài đó, để ngày mai sẽ gửi cho Ban Biên Tập. Đó là một cái nhìn đơn giản cho những khoảng thời gian được thu hẹp trong phạm vi nhỏ.

Bây giờ thử nói rằng: Ngày qua chúng ta đã tích lũy được một số kiến thức, nên ngày (hôm) nay ta có thể dựa trên những kiến thức đó mà phục vụ cho đời, để ngày mai (này) những thế hệ sau sẽ tiếp nối những gì đem lại thăng hoa cho con người. Với những khoảng thời gian này, ngày qua có thể là năm qua, 5 năm qua, 10 năm qua... Ngày nay cũng có thể có khoảng thời gian tương tự, tạo nên một chuổi thời gian liên tục và sự xuất hiện của thời gian sau (tương lai). Vì vậy một thời gian tương lai sẽ xuất hiện khi một khoảng thời gian được nhìn lại. Nhìn lại ngày sinh nhật trước, nhìn lại năm năm trước, hay nhìn lại mười năm trước.. Những dấu mốc của thời gian là để tìm thấy giá trị thật sự cho từng thời kỳ. Theo đó chúng ta hướng tới viễn cảnh của thời gian tương lai, dự định của những thời gian tới bằng cách nhìn lại. Mười năm tới đây sẽ tùy thuộc việc chúng ta làm bây giờ, dựa trên giá trị của những khoảng cách nhìn lại. Hai năm nhìn lại, năm năm nhìn lại, hay mười năm nhìn lại.

Ngày 20/11/2014

PSQ

Mười Năm Nhìn Lại

Thời gian như nước chảy mây trôi

Mới đó mười năm đã đến rồi.

Kỷ yếu nhớ thời đèn với sách,

Đặc san ôn chuyện bạn và tôi.

Tháng ngày, ngày ấy nhanh nhanh thế,

Giây phút, phút này chậm chậm thôi.

Tất cả ân tình và kỷ niệm,

Nơi đây lưu lại mãi muôn đời.

Ngày 20/11/2014 

PSQ

 

 

Giới thiệu bài này