Đức-Mỹ bận quân phục ở phía trước. Từ trái qua: Võ Quốc Hùng, vợ chồng Lê thị Lich Le, vợ chồng Giau Nguyen, Minh Phượng, Dao Le Thi, vợ chồng NĐC, vợ chồng Ánh Nga.


"Lời tác giả: bài nói chuyện này được trình bày trong Hội trường của buổi lễ kỷ niệm ngày cưới của bạn tôi. Bài nói chuyện đã gây một phản ứng bất ngờ, là nó đã đánh động được lòng người khi cả hội trường im phăng phắc, ngồi lắng nghe tôi phát biểu, đã khiến cho nhiều người rơi nước mắt, có người chỉ rưng rưng và cũng có người ràn rụa nước mắt. Đây là điều ngoài sự tưởng tượng của người phát biểu, rất trân trọng những tấm lòng nhân hậu này.
Xin chào tất cả quí vị."

-------------


Tôi tên Ngô Định Châu, đúng 50 năm về trước, vào ngày 12-7-1972, tôi đã tham dự đám cưới của hai người bạn tôi là Lê Tấn Đức và Phạm thị Mỹ. Trong những người có mặt năm xưa, hiện nay còn xót lại hai người bạn hiện có mặt nơi đây, là tôi và bạn Võ Quốc Hùng đang làm MC cho buổi lễ này. Cảm tưởng của tôi khi tham dự lễ cưới năm xưa đó vẫn còn nguyên cho đến bây giờ, đó là một đám cưới kỳ lạ nhất, mà cho tới tận hôm nay tôi cũng chưa từng thấy một đám cưới nào như vậy. Một đám cưới vừa buồn tẻ, vừa nghèo nàn, vừa có vẻ bất an.


Nói xa hơn một chút, lần đầu tiên tôi gặp bác Đức vào năm 1967, khi ấy tôi 15 tuổi đang học lớp 10 trường Trung Học Thủ Đức. Lúc đó bác Đức từ Vĩnh Long chuyển về Thủ Đức và xin vào học trường tôi, và bác Đức được đưa vào ngay lớp tôi. Ngày đầu tiên bác Đức đến lớp, khi đó Thầy giáo chưa vào nên cả lớp đang ồn ào như cái chợ, lúc bác Đức bước vào cả lớp chợt im sửng lại, vì ai cũng chú ý đến bác, bác Đức lúc ấy đẹp trai lắm, dáng người rất khôi ngô tuấn tú. Có lẽ định mạng đã an bài nên bác Đức được Trưởng lớp xếp cho ngồi cạnh tôi, tôi mỉm cười làm quen với bác, tôi bèn mở cuốn tập ra trong đó có mấy điếu thuốc lá nằm bẹp dí, tôi mời bác hút thuốc và bác đã nhón lấy một điếu và hút ngon lành. Đó là khởi đầu cho một tình bạn keo sơn giữa tôi và bác Đức, kéo dài cho đến tận bây giờ đã 55 năm ròng rã. Không phải chỉ riêng bác Đức, mà cả gia đình bác ai ai cũng đều quí mến tôi. Hồi đó muốn đến chơi nhà ai thì cứ sồng sộc chạy đến chứ không cần phải xin phép trước như bây giờ, cho nên ngày nào tôi cũng đến chơi nhà bác Đức và tôi cũng thường xuyên dùng cơm với gia đình bác, thân thuộc cho đến nỗi, cái chén đôi đũa nhà bác để đâu tôi cũng biết.


Tôi có vài người bạn rất thân, nhưng chưa có người bạn nào gây cho tôi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác như trường hợp bác Đức đây, những kinh ngạc khắc sâu vào tâm khảm khiến tôi không thể nào quên được.


Lần kinh ngạc thứ nhất là khi vừa học xong lớp 10, có một bữa, bác Đức chạy đến đám bạn nói lời giả từ với chúng tôi để đi đăng lính hải quân. Nghe tin chúng tôi hết sức bàng hoàng vì Đức còn độ tuổi đi học chưa phải bắt buộc đi lính. Cả đám đang chơi với nhau vui vẻ mà giờ có đứa bỏ đi lính nên ai cũng thấy buồn. Tôi thấy buồn bực trong người nên chạy vào nhà gặp ba của Đức để xin bác trai can thiệp cho Đức ở lại đi học, thì bác trai buồn rầu nói với tôi rằng:" thằng Đức nó lớn rồi thôi để cho nó tự lập thân, không có ai nuôi nó hoài được" Nghe nói thế tôi buồn bả, đứng dậy chào rồi ra về.


Sau đó bác Đức gia nhập hải quân, phục vụ tại Giang đoàn 52 Tuần Thám, đóng căn cứ tại Cát Lái, cách Thủ Đức chỉ vài cây số. Không biết ông bạn tôi làm cái nghề ngỗng gì trong cái giang đoàn này mà cứ vài hôm lại về nhà, lại rủ rê tôi đi chơi, đi cà phê nghe nhạc hay bia bọt lai rai. Hồi đó chúng tôi gặp nhau là vui lắm, nói năng bốc trời chứ không như các bạn trẻ bây giờ, gặp nhau chỉ chào hỏi qua loa rồi mạnh ai chúi mũi vào cái smart phone của mình. Sau đó bác Đức chuyển qua Giang Đoàn 93 Trục lôi cũng đóng tại Cát Lái, Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn là Hải quân Thiếu tá Hoàng Đình Tân cũng đang hiện diện tại buổi lễ này, xin mời anh Tân đứng lên cho mọi người được biết.


Lần kinh ngạc thứ hai đã xảy ra như thế này. Tôi còn nhớ lúc đó vào một buổi chiều, một người bạn chạy vào nhà tôi và báo cho tôi một tin kinh hoàng. Trước đó bác Đức theo đơn vị đi công tác tại Cà Mau, vào một buổi trưa bác cùng mấy người bạn ra chợ Cà Mau ăn cơm. Khi ăn xong thì cả đám kéo ra đứng trước của quán để hút thuốc. Vào lúc đó có hai thằng khủng bố khốn nạn chở nhau trên một chiếc xe gắn máy đi ngang, chúng tung một trái lựu đạn vào đám lính đang đứng trước cửa quán, bác Đức vô tình đạp trên trái lựu đạn, lựu đạn nổ tung, hai chân bác Đức nát bét. Sau đó bác Đức được đưa về Bịnh Viện Trung tâm 3 Dã chiến Hoa Kỳ ở Cần Thơ để điều trị. Khi nghe tin, tôi bàng hoàng không thể tưởng tượng nỗi một tai nạn thảm khốc kinh hoàng đã xảy ra cho bạn mình. Tôi còn nhớ mãi cái ngày mà tôi đi cùng má của Đức xuống Cần Thơ thăm Đức. Tôi với má Đức đi vào một Trại bịnh rất rộng lớn, hai dãy giường nằm song đôi đối mặt vào nhau, cả trại bịnh rất đông bịnh binh, một không khí lạnh lẻo và u trầm, bác Đức nằm quãng giữa, khi đi từ xa tôi đã thấy bạn mình, cái giường thì bình thường nhưng bác Đức chỉ nằm một khúc ngắn, hai chân bị cắt trên đầu gối đang bông băng trắng toát, nhìn cảnh đó tôi kinh hãi đến rợn người. Ngồi xuống bên cạnh giường, tôi hỏi thăm bạn một vài câu rồi xúc động quá tôi bị nghẹn họng không nói được gì nữa. Tôi lúi húi lấy gói quà ra tặng bạn, đó là cây thuốc Palll Mall, cây thuốc này tôi không đủ tiền mua nên đã nhờ bác Hùng đây phụ giúp tôi thêm ít tiền để mua quà tặng bác Đức. Có một điều nghịch lý là chúng ta khi đi thăm người bịnh thì phải dùng lời vỗ về an ủi người đó, còn trường hợp của tôi thì ngược lại. Có lẽ bác Đức thấy tôi có vẻ mặt buồn rầu quá nên bác đã nói chuyện vui cười nhằm an ủi ngược lại tôi. Thăm viếng bạn xong, tôi trở về nhà và đêm về tôi mất ngủ hàng tháng trời, cứ nhắm mắt lại tôi lại thấy hình ảnh bạn tôi hiện ra với đôi chân bị cắt ngắn, cho nên tôi buồn bả đến ứa nước mắt. Bạn hảy thử tưởng tượng, chúng ta đang khoẻ mạnh liền lạc, rồi bỗng dưng gặp tai nạn đôi chân mình bị cắt lìa, thì không có nỗi đau đớn lớn lao nào hơn thế nữa.


Lần kinh ngạc thứ ba, lần này là một tin vui. Trước khi bác Đức từ bịnh viện trở về nhà, bác có nhắn về gia đình là khi về đến nhà bác Đức sẽ tổ chức đám cưới với một cô y tá làm việc trong bịnh viện mà bác đang nằm dưỡng thương. Tôi nghe tin này từ gia đình bác mà cứ tưởng như chuyện đùa, bởi vì tôi không thể tưởng tượng được với một hoàn cảnh quá sức bi thảm của bạn tôi mà trên cõi đời lại có người con gái đồng ý lập gia đình với bác. Cô gái đó, sau này chính là chị Mỹ hiện nay, lúc đó chị vừa xinh đẹp vừa có ngề nghiêp ổn định và có một gia đình khá bề thế. Đây quả là chuyện siêu phi thường, không ai tưởng tượng nỗi.


Ngày 12-7-1972 là ngày cưới, là ngày nên vợ nên chồng của hai bạn tôi. Bác Đức lúc đó chỉ mới 22 tuổi, chị Mỹ 23 tuổi, còn tôi hãy còn con nít 20 tuổi. Trước ngày cưới khoảng đâu chừng một tháng, có một hôm bác Đức rủ tôi đi hỏi vợ, tôi có biết gì đâu nên cũng hăng hái đưa bạn đi. Tôi chở bác trên chiếc xe Honda, lúc đó bác Đức không ngồi xe lăn như bây giờ mà mang chân giả rồi chống gậy đi khập khểnh. Khi tới nhà gia đình chị Mỹ, trong nhà vắng hoe, chỉ có bác gái má chị Mỹ mở cửa tiếp chúng tôi, bà đã tỏ thái độ hết sức lạnh nhạt, mặc cho bạn tôi nói gì thì nói, bà chỉ giữ im lặng, không trả lời một câu một chữ nào hết. Tôi thấy không ổn nên lặng lẽ kéo bạn tôi lủi thủi ra về. Khi vừa ra khỏi cửa, má chị Mỹ đóng xầm cửa lại, tôi quay sang nói với Đức một câu mà bạn nhớ mãi đến bây giờ :" chuyện này siêu phi thường", quả thật cuộc đời của bác Đức toàn là những chuyện siêu phi thường.


Buổi tiệc cưới lúc đó tổ chức vào buổi chiều, trời mưa lất phất, một chiếc bàn dài được đặt bên hông nhà. Bác Đức mặc một bộ quân phục bằng kaki màu xanh đậm của Hải Quân, chị Mỹ mặc áo dài màu hồng, trên cổ có đeo một sợi dây chuyền có gắn một chiếc đồng hồ cánh cụp cánh xoè, chị Mỹ có dáng người xinh đẹp, nói năng dịu dàng, chị tươi vui hớn hở, hình như tôi cảm thấy chị chớ hề quan tâm đến một tương lai u ám trước mặt. Nhưng coi vậy chứ không phải vậy, sau này chị có cho tôi biết, hôm đó chị đã vào buồng ngồi khóc thảm thương cho số phận của mình.


Đám cưới tổ chức như một đám giỗ chứ không phải là một đám cưới như bình thường. Buổi sáng hai vợ chồng bác Đức có lạy bàn thờ ông bà, dưới sự chứng kiến của Ba Má và chị em trong nhà, vậy thôi. Không có sự tham dự của họ hàng hai bên gì hết, nhất là bên đàng gái không có người nào đến tham dự, vì gia đình chị Mỹ không chấp nhận cuộc hôn nhân này, và coi như chị đã bị ruồng bỏ.


Thiệp cưới cũng không được in đẹp đẻ như bây giờ, mà những tờ thiệp năm đó do chính tay tôi làm bằng tay. Tôi phải chạy đi xin bạn bè một loại giấy đẹp, mang về cắt nhỏ ra, rồi cặm cụi viết lên đó những hàng thông báo hôn lễ, xong xếp lại gửi đi cho bạn bè. Đám cưới cũng không có chụp một tấm hình nào, dù cho bác Hùng đây có mang theo máy ảnh nhưng bị má của Đức nghiêm cấm vì kiêng cử gì đó nên không chụp được.


Đám cưới được bày ra trong lặng lẽ, không khí có vẻ bất an, bởi vì Ba Má Đức e ngại gia đình chị Mỹ nếu biết chuyện cưới hỏi này sẽ đến nhà làm lớn chuyện thì thật là bẻ bàng. Đám cưới hôm đó, tôi cũng không nghe ai chúc trăm năm hạnh phúc, vì không một người nào có thể tưởng tượng nỗi cặp vợ chồng này sẽ ăn đời ở kiếp với nhau, không có một người nào tưởng tượng nỗi họ đã hạnh phúc bên nhau suốt 50 năm và còn kéo dài cho đến tận răng long đầu bạc.


Còn một điều siêu phi thường nữa mà tôi muốn nhắc nhở ở đây. Hôm nay tôi xin thay mặt cho bạn bè tôi để vinh danh chị Phạm thị Mỹ, một người phụ nữ tuyệt vời hiếm có trên cuộc đời này mà trong suốt đời tôi, tôi chưa từng gặp được một người thứ hai như chị. Chị Mỹ đã sống bên cạnh một ông chồng thương binh khả năng lao động hầu như rất hạn chế. Chị đã phải tần tảo sớm hôm, chăm sóc gia đình nuôi 4 con thơ, nên người thành đạt như ngày hôm nay, là một kỳ tích rất đáng trân trọng. Nhất là giai đoạn sau năm 1975, cả Miền Nam rơi vào cảnh khốn cùng, mọi người đều khốn khổ khốn nạn, thì chị Mỹ phải khổ gấp nhiều lần so với mọi người bình thường khác. Cho tới bây giờ, tôi không hiểu sức mạnh kỳ bí nào đã giúp cho chị Mỹ vượt qua con đường cực kỳ gian nan này. Chúng tôi xin nghiêng mình bái phục chị Mỹ, một người phụ nữ siêu phi thường.


Hôm nay, Kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Các người con của bạn tôi đã làm nên một việc hết sức ý nghĩa là tổ chức thành công buổi Lễ này, nhằm báo hiếu cho Cha Mẹ mình, nhằm bù đắp cho một đám cưới nghèo nàn buồn thảm năm xưa, đồng thời chúc mừng bác Đức vượt qua được cơn đại phẫu thuật kinh hoàng vừa qua. Xin chúc mừng gia đình bác Đức hạnh phúc xum vầy, an bình mãi mãi. Xin đa tạ cả nhà bác Đức đã mời chúng tôi đến tham dự buổi lễ đầy xúc động này. Tôi xin hết lời và xin cám ơn tất cả đã lắng nghe tôi phát biểủ.


NDC

Giới thiệu bài này