Anh Chị Em thân mến,

Lễ Phục Sinh sẽ là Chúa Nhật cuối tuần này, hay còn gọi là Chúa Nhật Phục Sinh mà người Mỹ gọi là Easter Sunday. Người Công Giáo kỷ niệm ngày Chúa bị xử chết trên Thập Giá  và ngài sống lại 3 ngày sau, và chấm dứt mùa Phục Sinh, hay còn gọi là mùa chay mà bắt đầu vào Thứ Tư Lễ Tro trước đó 40 ngày. Trong mùa Phục Sinh người Công Giáo tưởng nhớ lại cuộc khổ nạn của Chúa khi ngài xuống trần gian, rao giảng tin mừng, lập một giao ước mới với dân Ngài, chiến thắng tội lỗi thế gian bằng chính thân xác phàm tục của con người của Ngài, là một thông điệp gởi cho nhân loại rằng, dù rằng con người mang nhiều bản chất yếu đuối và tham vọng, vẫn có đủ nghị lực vượt qua tất cả sự cám dỗ của trần thế, dục vọng của trần gian, và ngay cả cái chết cũng có thể vượt qua được nếu người ta có được đầy đủ đức tin, tin vào Thiên Chúa và do đó tin vào chính mình.

Trong niềm tin vào tôn giáo, như người Công Giáo tổ chức lễ Tro vào ngày Thứ Tư trước lễ Phục Sinh là để nhắc nhở người ta mỗi người hãy nhớ rằng mình là bụi tro và mai này sẽ trở về tro bụi, thì hầu như mọi tôn giáo tại Việt Nam đều cho rằng đời sống con người nơi trần gian này là tạm bợ, chỉ là "cát bụi trần gian" mà mai sau thân xác con người sẽ đi vào lòng đất và trở về với bụi cát. Linh hồn người ta mới thực sự tồn tại, sẽ đi đến một nơi mà tùy thuộc vào lối sống và thái độ của người ta khi sống ở trần gian, thì khi đó sẽ bị đọa đầy được hay được hạnh phúc mãi mãi.

Cũng trong ý nghĩa đó, Ngài dạy rằng nếu một hạt giống mà không bị vùi lấp và mục rữa, thì không thể nẩy mầm và sinh ra muôn vàn hoa trái và những hạt giống khác. Vậy cái chết của người hay vật, chỉ là sự "thấy", hay cái nhìn, của người trần gian về một trạng thái của người hay vật mà thôi, nhưng những gì sau cái chết, hay trạng thái, mới là giá trị thật sự tồn tại. 

Niềm tin vào tôn giáo, vào đấng tối cao toàn năng chính là cứu cánh cho loài người không chỉ ở phương diện tâm linh, mà còn ở phương diện xã hội ngoài đời khi người ta biết nghĩ đến "đời sau" và rèn luyện tâm hồn mình theo những gì tôn giáo chính thống khuyên răn về chuẩn mực đời sống giữa cộng đồng. Tuy rằng có vẻ như tôn giáo thường khuyên răn người ta dựa trên những gì nếu chúng ta "làm" thì chúng ta sẽ "được", mang tính chất vị kỷ vì mình làm cho chính mình, nhưng những điều chúng ta "làm" để cho mình "được", lại là làm cho tha nhân, vì những gì chúng ta thật sự "được" chính là những gì mình "làm" cho cộng đồng xã hội.

Nước Việt Nam vẫn đang trải qua bao nhiêu là kiếp nạn đau khổ triền miên. Sự thống trị của cộng sản làm cho lòng người ly tán, đức hạnh suy đồi, hơn thua chia rẽ khắp nơi, ganh ghét ngờ vực từ ngoài ngõ đến gia đình. Người ta "làm" để dành giật lấy cái trước mắt, cho bản thân, không còn cho tha nhân hay xã hội. Người ta không cần và không tin đến "đời sau" của mình, cũng không màng tới thế hệ sau. Miền Nam Việt Nam, một nơi mà trước kia là niềm mong ước của các nước hàng xóm, đang bị vùi lấp, mục rữa. Và người ta cho rằng Việt Nam Cộng Hòa đã chết, đã bị tiêu diệt, không còn nữa. Nhưng đồng thời mọi người vẫn nhìn thấy "linh hồn" của nó vẫn tồn tại, hiển hiện, và trong một chừng mực nào đó khiến người ta nhìn rõ hơn tính nhân bản, ánh vinh quang với sự tiếc nuối vô vàn cho một thời.

Cũng như màu nhiệm Phục Sinh, là từ cái chết sống lại, nếu mọi người bình tâm, nâng cao những chuẩn mực đạo đức của tôn giáo, cùng chia sẻ nghị lực và niềm tin với nhau, những hạt giống Việt Nam Cộng Hòa sẽ nảy mầm, và với sự chúc phúc của Đấng Tối Cao, sẽ Phục Sinh và rồi sinh muôn hoa kết vạn trái. Một nước Mỹ hùng mạnh và ngày càng hùng mạnh là nhờ sự tin tưởng vào Thượng Đế từ bao nhiêu năm qua của người dân mà tất cả các vị tổng thống đều giữ nguyên một câu: "God Bless America". Hãy tin tưởng và cầu xin Thượng Đế ban phước cho chúng ta, để chúng ta nhìn thấy con đường, thì sự trỗi dậy của Việt Nam Cộng Hòa chắc chắn đến trong tương lai. 

Trong tâm tình này với những suy nghĩ về màu nhiệm Phục Sinh, kính chúc Anh Chị Em những ngày lễ cuối tuần Phục Sinh an bình và vui vẻ. Cầu xin Thượng Đế ban phước cho chúng ta và cho đất nước Việt Nam.

Thân Mến,

 

PSQ

Giới thiệu bài này